Khởi nghiệp về AI tại Việt Nam đang trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ trong 2 năm gần đây. Với sự bùng nổ như hiện tại của công nghệ và trí tuệ nhân tạo AI đã làm thay đổi cách thức vận hành của các doanh nghiệp, song song đó đã mở ra cơ hội phát triển lớn cho các startup trẻ. Việt Nam đang chứng kiến sự trỗi dậy của nhiều công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI, đóng góp vào nền kinh tế số của đất nước.
AI tại Việt Nam đang phát triển ra sao?
Trong thập kỷ qua, AI đã phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới chứ không riêng gì tại Việt Nam, kèm theo đó là nhiều startup tận dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các giải pháp cho doanh nghiệp, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã xác định AI là một trong những yếu tố then chốt để đạt được sự phát triển kinh tế nhanh chóng và bền vững. Điều này đã thúc đẩy nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp và startup về lĩnh vực công nghệ.
Theo báo cáo của Google và Temasek, nền kinh tế số của Việt Nam ước đạt 43 tỷ USD vào năm 2025, trong đó AI chiếm một phần quan trọng. Các công ty công nghệ thông tin, viễn thông lớn như: FPT, Viettel và VinAI đều đang đầu tư mạnh mẽ vào các giải pháp phát triển công cụ trí tuệ nhân tạo.
Chính vì vậy, thị trường và cơ hội của startup về AI tại nước ta được đánh giá là cực kỳ rộng mở.
Liên quan đến khởi nghiệp về lĩnh vực AI ở thị trường Việt Nam, Giám đốc cấp cao Qualcomm Việt Nam – Bà Nguyễn Thanh Thảo chia sẻ: “Hiện tại, hầu như các nhà startup trẻ ở nước ta đều biết cách tận dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa những giải pháp phát triển sản phẩm, gia tăng tính cạnh tranh và lan tỏa của thương hiệu ra thị trường trong nước lẫn quốc tế. Thực trạng này chứng minh được rằng, người Việt, nhất là giới trẻ đã nhìn nhận ra sự hiệu quả, cũng như đón đầu được xu thế AI từ đấu trường thế giới, ứng dụng về Việt Nam”.
Các lĩnh vực ứng dụng AI đang thu hút đầu tư
Startup về AI tại Việt Nam không chỉ giới hạn trong một vài lĩnh vực mà đã mở rộng ra nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Dưới đây là một số lĩnh vực mà trí tuệ nhân tạo đang tạo ra sức ảnh hưởng lớn:
Y tế, sức khỏe
AI đã được ứng dụng trong chăm sóc sức khỏe giúp cải thiện việc chẩn đoán bệnh, nâng cấp chất lượng của cơ sở, cơ quan y tế, tối ưu hiệu quả khám lẫn chữa bệnh cho người dân. Một số startup AI tại nước ta đã phát triển các giải pháp dựa trên học máy – machine learning để phân tích dữ liệu y tế và hỗ trợ bác sĩ trong việc đưa ra các chữa trị bệnh chính xác cao hơn.
Giáo dục
AI cũng đang tạo ra cuộc cách mạng trong giáo dục với các nền tảng học tập thông minh, ứng dụng chatbot và trợ lý ảo giúp tối ưu quá trình tìm kiếm thông tin, tổng hợp kiến thức cho học sinh và sinh viên. Các startup như: Elsa Speak và Got It đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để phát triển các giải pháp hỗ trợ học ngoại ngữ và giải đáp thắc mắc trong thời gian cực kỳ nhanh chóng.
Thương mại điện tử
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, AI giúp tối ưu hóa quy trình tìm kiếm sản phẩm, phân tích dữ liệu khách hàng để dự đoán nhu cầu và cải thiện trải nghiệm người dùng. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn giúp các doanh nghiệp tăng doanh số bán hàng.
Các chính sách hỗ trợ startup AI tại Việt Nam
Nhằm thúc đẩy các startup công nghệ nói chung và AI nói riêng, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ về cấp vốn như:
- Chương trình 844: Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia giúp các startup tiếp cận với nguồn vốn và tài nguyên phù hợp.
- Đầu tư vào giáo dục: Đẩy mạnh đào tạo nhân lực AI thông qua các chương trình hợp tác với các trường đại học và các tổ chức quốc tế. Chính sách này cực kỳ phù hợp với các đối tượng là sinh viên trẻ của nhiều trường tại Việt Nam hiện nay có niềm đam mê với kinh doanh và công nghệ trí tuệ nhân tạo.
- Chính sách ưu đãi về thuế và tài chính: Khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghệ AI tại Việt Nam. Đây chắc chắn sẽ là “bàn đạp” giúp các dự án khởi nghiệp có tiềm năng vươn tầm thế giới.
Startup về lĩnh vực AI tại Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ với nhiều cơ hội lớn cho các nhà khởi nghiệp trẻ. Tuy nhiên, để thành công, các doanh nghiệp cần vượt qua những thách thức về nhân lực, vốn đầu tư và hạ tầng công nghệ. Dù khó khăn không ít nhưng với sự hỗ trợ từ chính phủ và tiềm năng phát triển của thị trường, tương lai của “ngành” AI tại Việt Nam hứa hẹn sẽ đầy triển vọng, không chỉ trên phương diện kinh tế mà còn trong nhiều lĩnh vực khác.