Những năm gần đây, số lượng người lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc ngày càng gia tăng. Họ tìm kiếm công việc với mức thu nhập cao hơn, đồng thời trải nghiệm văn hóa mới mẻ, tiến bộ. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đó, người lao động cũng gặp nhiều vấn đề tiêu cực. Dưới đây là những khó khăn mà bạn phải đối mặt nếu xuất khẩu lao động sang Nhật Bản.
Rào cản ngôn ngữ
Người Nhật không dùng ngôn ngữ chính là tiếng Anh, do đó, để đến đây xuất khẩu lao động đòi hỏi bạn phải học tiếng bản địa. Tiếng Nhật không hề đơn giản, đây là một trong những ngoại ngữ khó học nhất thế giới.
Thiếu kỹ năng tiếng Nhật
Một trong những trở ngại lớn nhất mà lao động Việt Nam gặp phải khi làm việc tại Nhật Bản là rào cản ngôn ngữ. Mặc dù nhiều người đã trải qua khóa đào tạo tiếng Nhật trước khi sang đây nhưng trình độ của họ thường không đủ để giao tiếp thành thạo trong công việc và đời sống hàng ngày. Điều này gây ra sự hiểu lầm giữa lao động và chủ doanh nghiệp hoặc đồng nghiệp.
Giao tiếp trong công việc
Khả năng giao tiếp kém khiến người lao động gặp khó khăn trong việc hiểu rõ nhiệm vụ và yêu cầu công việc, dẫn đến giảm năng suất, hiệu quả thấp. Đặc biệt, trong các công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác, việc hiểu sai chỉ thị có thể gây ra lỗi, thậm chí là tai nạn lao động. Đây được đánh giá là vấn đề cực kỳ phổ biến đối với người Việt tại Nhật.
Áp lực công việc
Trước khi sang xứ sở mặt trời mộc làm việc, mọi người nên chuẩn bị tâm lý rằng, áp lực rất lớn, từ cấp trên, đồng nghiệp cho đến tăng ca, làm xuyên suốt hơn 10 giờ đồng hồ mỗi ngày,…
Văn hóa làm việc ở Nhật siêu khắc nghiệt
Nhật Bản nổi tiếng với văn hóa làm việc nghiêm túc và áp lực cao. Người lao động thường phải làm việc liên tục trong nhiều giờ mà ít có thời gian nghỉ ngơi. Nhiều lao động Việt Nam không quen với phong cách này, dẫn đến căng thẳng và mệt mỏi. Thậm chí, một số còn bỏ cuộc và giảm sút sức khỏe đáng kể.
Khối lượng công việc lớn
Khối lượng công việc trong hầu hết các ngành nghề tại Nhật Bản thường lớn hơn so với những gì người lao động Việt Nam mong đợi. Đặc biệt, những người làm việc trong các ngành sản xuất, xây dựng hoặc nông nghiệp thường phải làm việc với cường độ cao, không có đủ thời gian để phục hồi sức khỏe.
Văn hóa và lối sống khác biệt
Người Nhật vốn nổi tiếng với sự khuôn khổ và tính kỷ luật rất cao, dường như là tuyệt đối. Do đó, họ áp dụng nhiều quy tắc trong văn hóa và lối sống, điều này cũng tạo ra nhiều khó khăn đối với người xuất khẩu lao động Việt sang.
Người Việt Nam thường gặp khó khăn trong việc thích nghi với các phong tục và tập quán khác biệt tại Nhật Bản. Sự khác biệt trong cách giao tiếp, ứng xử và thói quen hàng ngày có thể tạo ra cảm giác cô lập và lạc lõng.
Hơn nữa, khi từ Việt Nam sang Nhật một mình, bạn phải sống xa gia đình và người thân. Điều này dễ dẫn đến cảm giác cô đơn và trầm cảm, đặc biệt là khi họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng người Việt hoặc các tổ chức địa phương.
Khó khăn tài chính
Chi phí sinh hoạt tại Nhật Bản, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Tokyo hay Osaka rất cao. Tiền nhà, tiền điện nước và các chi phí khác chiếm phần lớn thu nhập của lao động khiến họ khó có thể gửi tiền về hỗ trợ gia đình tại Việt Nam như mong muốn.
Đồng thời, nhiều lao động Việt trước khi sang đây phải vay nợ để trang trải chi phí xuất khẩu lao động. Khoản nợ này cùng với chi phí sinh hoạt đắt đỏ tại Nhật vô tình tạo ra gánh nặng tài chính lớn khiến một vài trường hợp phải làm việc cật lực để trả nợ. Muốn có được số tiền tiết kiệm mỗi tháng, bạn đòi hỏi cần tìm được vị trí tại các công ty uy tín, mức lương tốt.
Thiếu sự bảo vệ và hỗ trợ pháp lý
Một số lao động Việt Nam tại Nhật Bản phải đối mặt với tình trạng bị bóc lột, làm việc trong môi trường khắc nghiệt mà không được bảo vệ đầy đủ về quyền lợi vốn có. Họ bị ép làm thêm giờ mà không được trả lương hoặc không được nghỉ phép đúng quy định.
Ngoài ra, nhiều lao động không nắm rõ các quyền lợi pháp lý của mình tại Nhật Bản. Điều này dẫn đến nhóm người này sẽ dễ bị lợi dụng và khó tìm được sự trợ giúp khi gặp vấn đề về công việc.
Lao động Việt Nam tại Nhật Bản đang đóng góp tích cực vào nền kinh tế cả hai nước nhưng họ cũng đối mặt với khó khăn không nhỏ. Cụ thể như: Rào cản ngôn ngữ, áp lực công việc, sự khác biệt văn hóa và thiếu tiền chi trả… Những thách thức này đòi hỏi sự hỗ trợ từ cả nhiều phía bao gồm: Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Nên cải thiện môi trường làm việc, tăng cường đào tạo tiếng Nhật và kiến thức pháp lý cho lao động để giúp họ vượt qua những khó khăn và đạt được thành công tại đất nước hoa anh đào.