Hiện tại, một phần đông người lao động Việt chọn xuất khẩu sang nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Nauy, Anh,… với mong muốn thay đổi chất lượng sống, cũng như gia tăng thu nhập. Thế nhưng, đó chỉ là những “bề nổi” mà thôi, thực tế, xuất khẩu lao động ẩn chứa rất nhiều điều khó khăn đòi hỏi mọi người cần phải chuẩn bị tâm lý thật kỹ.
Những khó khăn dễ gặp phải khi xuất khẩu lao động
Xuất khẩu lao động là một cơ hội lớn cho nhiều người Việt Nam muốn tìm kiếm việc làm và cải thiện mức thu nhập. Tuy nhiên, việc đi lao động ở nước ngoài cũng mang đến không ít khó khăn và thách thức. Dưới đây là một số điều bất cập phổ biến mà người lao động xuất khẩu thường gặp phải.
Rào cản ngôn ngữ
Khả năng giao tiếp là yếu tố quan trọng khi sống và làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều người lao động gặp khó khăn trong việc học ngôn ngữ mới. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công việc mà còn gây ra nhiều bất tiện trong cuộc sống hàng ngày.
Ví dụ, nếu trúng tuyển đơn hàng sang Hàn Quốc ở vị trí công nhân sản xuất, việc thiếu ngôn ngữ sẽ khiến bạn khó có thể giao tiếp với đồng nghiệp xung quanh, không thể hiểu những gì cấp trên truyền đạt. Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý, hiệu suất làm việc mỗi ngày. Về lâu về dài rất dễ khiến mọi người chán nản.
Khác biệt văn hóa
Sốc văn hóa là một hiện tượng phổ biến khi người lao động di chuyển đến một quốc gia mới. Đây được đánh giá là một trong những khó khăn mà hầu hết mọi người đều gặp phải khi đến nước khác học tập, làm việc, định cư. Những khác biệt về phong tục tập quán, lối sống và quy tắc xã hội có thể khiến người lao động cảm thấy cô đơn và lạc lõng. Nặng nề hơn, khi vi phạm quy chuẩn xã hội, bạn còn có thể bị “tẩy chay” hay cô lập giữa cộng đồng tại nơi chọn xuất khẩu lao động.
Điều này càng khẳng định hơn nữa việc phải củng cố kiến thức văn hóa xã hội đầy đủ trước khi quyết định chuyển đến đất nước nào đó làm việc lâu dài.
Điều kiện làm việc khó khăn
Nhiều người lao động xuất khẩu phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt và giờ làm tăng ca đến hơn 10 tiếng mỗi ngày. Đặc biệt, phải kể đến các ngành nghề xây dựng, sản xuất tại một số quốc gia Đông Á. Điều này có thể dẫn đến sức khỏe kém và mệt mỏi. Ngoài ra, việc không được bảo vệ quyền lợi lao động cũng là một vấn đề lớn. Đây là một khó khăn mà phần lớn người Việt làm việc ở cấp bậc công nhân gặp phải khi xuất khẩu sang nước ngoài.
Thủ tục và chi phí xuất khẩu
Nếu đang có dự định sẽ sang một quốc gia nào đó để làm việc, tùy thuộc vào vị trí địa lý và công việc mà bạn phải chuẩn bị một khoản tiền nhất định. Hầu hết, khoản chi phí này đều ít nhất từ 100 – 150 triệu đồng trở lên. Quá trình chuẩn bị và hoàn tất thủ tục xuất khẩu lao động có thể phức tạp, tốn kém. Nhiều người lao động phải vay nợ để trang trải chi phí, tạo áp lực tài chính lớn.
Trên thực tế, các trường hợp trở thành con nợ của vay nặng lãi bởi lời “thổi phồng” của giấc mộng xuất khẩu lao động xuất hiện đầy rẫy trên các mặt báo mỗi ngày. Do đó, hãy thực sự tỉnh táo và xem xét mình có đủ khả năng để thực hiện điều này hay không.
Rủi ro về an toàn và pháp lý
An toàn lao động hay pháp lý là những yếu tố không thể lường trước. Điều này cũng là một khó khăn lớn đối với người Việt chọn xuất khẩu lao động gặp phải hiện nay. Nhóm đối tượng này dễ dàng gặp phải các vấn đề như: lừa đảo, bạo lực hoặc không được bảo vệ quyền lợi đúng hợp pháp. Hầu hết các trường hợp này đều xảy ra đối với lao động xuất khẩu bởi các công ty môi giới xuyên quốc gia kém chất lượng, gian lận và không có trách nhiệm.
Thiếu thông tin và kênh hỗ trợ
Thiếu thông tin và ít sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng có thể khiến người lao động Việt ở nước ngoài dễ bị lợi dụng và bóc lột. Việc không được cung cấp đầy đủ dữ liệu về quyền lợi, nghĩa vụ và luật pháp của quốc gia đến làm việc là một rủi ro lớn. Do đó, dù có tốn thời gian đến đâu, lao động nên tìm hiểu luật thật kỹ để đảm bảo được quyền và lợi ích khi làm việc tại đất nước đang muốn đến.
Xuất khẩu lao động chưa bao giờ là đề tài hết hot ở Việt Nam. Từ chính mong muốn đổi đời, tìm kiếm công việc có mức thu nhập gấp nhiều lần hiện tại mà nhiều người không ngần ngại tin vào các tin môi giới kém uy tín, không đảm bảo. Từ bây giờ, sau khi đọc xong bài viết khó khăn gặp phải khi xuất khẩu lao động này, bạn nên tỉnh táo hơn trước khi đưa ra quyết định ký vào hợp đồng sang đất nước nào đó làm việc.