Sở hữu chuyên môn Thạc sĩ Luật kinh tế, điều kiện thuận lợi để làm việc tại cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tài chính, bất động sản,… với mức lương hậu hĩnh, thế nhưng chàng trai 9x dường như vẫn không thể quên vùng đất mình sinh ra. Thế là, anh dứt áo bỏ phố về Trà Vinh cùng hội nông dân tỉnh nhà mày mò khởi nghiệp. Đổi lại sự cố gắng này, Thuần xây dựng hợp tác xã lớn nhất tỉnh, mang về doanh thu tiền tỷ và được vinh danh.
Thạc sĩ Luật bỏ phố về khởi nghiệp cùng cây lúa
Vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông, bố mẹ đều cả đời vất vả với ruộng đồng để kiếm tiền nuôi các con ăn học, Thuần càng thêm yêu thương cây lúa và vùng đất Duyên Hải, Trà Vinh của mình. Chàng Thạc sĩ dù đang có công việc ổn định với mức lương cao ở TP.HCM nhưng trong lòng vẫn đau đáu về nông dân vùng lúa suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Đến khi thu hoạch lại lo âu vì cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa, chưa kể thương lái lại làm khó dễ bởi sản lượng nhỏ, làm theo gia đình.
Vậy là sau nhiều năm làm việc tại thành phố, Trần Minh Thuần, chàng Thạc sĩ 31 tuổi quyết định bỏ phố về quê khởi nghiệp, đồng cam cộng khổ cùng bà con quê nhà như một lời báo đáp vùng đất này.
Mở hợp tác xã cùng nhiều hoài bão hướng về nhà nông
Ngày trở về xã Long Hiệp, huyện Trà Cú từ thành phố, anh Thuần đã nung nấu trong mình nhiều hoài bão lớn hướng đến bà con nông dân trồng lúa bao năm nay tại quê nhà. Anh nghĩ, tại sao người trồng lúa chẳng thể nào quyết định được giá cả, hiệu quả lợi nhuận, vốn đầu tư… Từ những trăn trở đó, chàng trai 9x bắt đầu đi sâu vào nghiên cứu.
Anh nói: “Lúc nghe phong phanh ý định nghỉ việc về quê khởi nghiệp bằng nghề nông, ba mẹ tôi đương nhiên là không chấp nhận. Ở quê, hầu như ai cũng ngán cảnh dính vào cây lúa vì sợ khổ, sợ cực. Vậy nên gia đình nào cũng muốn con có công việc văn phòng, ngồi máy lạnh cho nhàn thân. Nhưng về sau, thấy tôi kiên quyết quá, ba mẹ cũng xuôi theo”.
Mở hợp tác xã kiểu mới nhưng… chẳng ai muốn tham gia
Tại xã Long Hiệp, chẳng hiếm hợp tác xã nông dân nhưng thành lập rồi lại đóng cửa, hiệu quả đạt được không đáng kể. Cũng vì nguyên nhân này mà khi anh Thuần nhờ chính quyền địa phương vận động nông dân trong huyện, tỉnh Trà Vinh tham gia hợp tác xã kiểu mới của mình, ai cũng từ chối khéo.
Phải mất một khoảng thời gian khá lâu, chàng Thạc sĩ chưa sành nghề lúa mới thuyết phục được một vài hộ dân tham gia hợp tác xã Long Hiệp của mình. Điều này là nhờ Thuần đưa ra nhiều lợi ích mà người nông dân có thể đạt được tại tổ chức của mình.
Theo đó, HTX Long Hiệp sẽ là nơi trực tiếp thu mua lúa khi thu hoạch cho bà con, cung cấp phân bón, các loại thuốc sinh học lành mạnh với cây lúa và môi trường, sức khỏe người sử dụng,… Ngoài ra, anh cũng sẽ đi học hỏi thêm kinh nghiệm, kiến thức trồng trọt mới để về truyền đạt lại cho bà con, nâng cao chất lượng cây lúa. Và sau khi thu mua, HTX cũng là nơi chế biến, tạo ra thành phẩm là gạo mang thương hiệu Long Hiệp phân phối ra thị trường. Thuần tạo ra một chuỗi giá trị từ đầu đến cuối giúp nông dân không phải lo lắng điều gì từ quá trình xuống giống đến lúc thu hoạch.
Thúc đẩy kinh tế vùng xã nghèo, nâng cao kiến thức nhà nông
Nhờ mang đến những giá trị thiết thực, giảm đi đáng kể rủi ro mất mùa, mất giá, HTX của chàng Thạc sĩ Luật đã “được lòng” người dân địa phương. Đến nay, Long Hiệp đã có 51 thành viên, vốn điều lệ của hợp tác xã lên đến 700 triệu đồng, tổng diện tích trồng lúa là 50 hecta, trong đó giá bao tiêu đến 300 đồng mỗi ký và có 20 hecta trồng trọt theo mô hình hữu cơ với giá thành sản phẩm cao hơn.
Từ một hợp tác xã nhiều hoài nghi về độ hiệu quả và thời gian hoạt động, Thuần đã xây dựng nên một tổ chức uy tín, đáng tin cậy với ban điều hành toàn ở bậc Thạc sĩ, Cử nhân. Sau 4 năm miệt mài với cây lúa và bà con nông dân, HTX đã phủ sóng trên khắp 72 xã thuộc tỉnh Trà Vinh, tổng diện tích đất canh tác lên đến 220 hecta. Ngoài mảng trồng lúa, Long Hiệp mở rộng thêm lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản.
Trong năm 2024, lãi mà HTX mang về cho các xã viên lên tới gần 1,5 tỷ đồng, trước đó vào năm 2023 là 1 tỷ đồng. Chia sẻ về sự nghiệp của bản thân, anh Thuần vẫn đầy giản dị và mộc mạc: “Cũng nhờ sự hỗ trợ từ phía địa phương mà mình và xã viên mới đạt được thành quả như ngày hôm nay”.
Sau 4 năm bỏ phố về làng, anh Trần Minh Thuần đã trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc sản xuất của HTX Long Điền. Vào buổi lễ vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 vừa qua, Thuần là người trẻ tuổi nhất trong 63 ứng cử viên toàn quốc.