Chàng trai 9x cất gọn tấm bằng kỹ sư vào tủ và tìm tòi hướng đi khởi nghiệp, ấy thế mà, phải trải qua đến 3 lần thất bại chẳng còn vốn liếng gì thành công mới “ghé thăm” startup này. Cùng bài viết nhìn lại chặng hành trình startup đầy gian nan với trầm hương từ con số 0 đến doanh thu tiền tỷ của chàng kỹ sư 9x này nhé!
Cử nhân Cơ khí Bách khoa bỏ phố về làng
Ở một tỉnh lẻ như Quảng Nam, việc thi đậu vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng là một thành công vượt trội. Chưa kể, vào giai đoạn mà kinh tế phát triển như hiện tại, tấm bằng Cử nhân Cơ khí ô tô mà chàng trai Ngô Tấn Quyền đang sở hữu lại càng có giá trị và rộng mở hơn trong sự nghiệp. Thực ra, sau khi tốt nghiệp, Quyền đã đi làm tại một doanh nghiệp về ô tô tại Quảng Nam, sở hữu mức lương 10 triệu đồng mỗi tháng vào thời 2017 cũng rất đáng ao ước.
Tuy nhiên, đi làm “công ăn lương” đều đặn 8 – 10 tiếng mỗi ngày dường như không còn phù hợp với chàng kỹ sư 9x nữa. Sau vỏn vẹn 1 năm làm việc, chàng trai trẻ quyết định xin nghỉ và tìm hướng đi mới cho bản thân. Tất nhiên, với bố mẹ và người thân xung quanh thời điểm 2018, đây là điều chẳng thể nào ủng hộ nổi.
Khởi nghiệp lần đầu: Thất bại nặng nề
Sau khi nghỉ việc hoàn toàn, anh lên mạng đọc thêm tài liệu về trồng trọt, Quyền cảm thấy có hứng thú với một số loại rau thủy canh. Sau đó, không nề nề hà hay lo lắng, chàng trai sinh năm 1994 ra tiền thuê mặt bằng ngay tại Đà Nẵng để bắt đầu kế hoạch startup của mình.
Cũng vì quá vội vàng, chưa có nhiều kinh nghiệm “làm nông”, khởi nghiệp khi miền Trung vào giai đoạn mưa bão kéo dài, dự án startup về rau thủy canh và công ty của chàng kỹ sư Ngô Tấn Quyền cũng vì vậy mà “đổ sông đổ bể”. Anh chia sẻ: “Bây giờ nhìn lại mới thấy thời đó mình ngây ngô thật, khởi nghiệp nhưng chẳng nghiên cứu gì cả, thế nhưng, có một bài học là điều cũng quá quý giá rồi”.
Khi doanh nghiệp đầu tiên này đi vào bờ vực phá sản, dù bản thân còn gánh một khoản nợ nhưng Quyền chẳng hề nhục chí. Anh trở về quê nhà ở Tam Kỳ để bắt đầu tự làm vườn rau sạch để trang trải cuộc sống nhưng rồi vẫn thất bại nặng nề.
Khởi nghiệp với dược liệu: Thất bại
Khi 2 sự thất bại liên tiếp với dự án trồng rau sạch thất bại, chàng kỹ sư Đại học Bách khoa Đà Nẵng vẫn còn “sự gan lỳ” và mạnh dạn vay người thân thêm 200 triệu đồng để… khởi nghiệp. Lúc này, bố mẹ và anh em trong gia đình đã thực sự chẳng thể can ngăn Quyền thêm nữa, cứ thế mà để mặc 9x tự xoay sở với dự án mới về dược liệu. Tuy nhiên, chẳng lâu sau đó, kế hoạch cũng thất bại, số vốn vay mượn “toang” hoàn toàn. Startup 9x này rơi vào cảnh vỡ nợ và dường như đã bắt đầu có những hoài nghi về con đường mà bản thân đang chọn này.
Quyền kể lại: “Thực sự, sau vố lỗ vì dược liệu và số nợ vài trăm triệu đồng vay mượn từ người nhà, bạn bè chưa có cách để trả, bản thân tôi cảm thấy nhục chí rồi. Mình nghĩ hay là kiếm việc chuyên môn cơ khí để làm, tích góp lương trả nợ, cũng khoảng hơn 1 năm là xong. Nhưng nhớ lại, mấy năm rồi nghỉ việc, liệu có doanh nghiệp nào dám nhận nữa hay không”.
Thức tỉnh nhờ hương thơm… chữa lành
Tưởng chừng như chặng đường khởi nghiệp của chàng kỹ sư 9x quê ở Tam Kỳ đã dừng lại, thế nhưng, sự chai lỳ và chịu khó trong con người miền Trung này vẫn còn thôi thúc anh cố gắng, kiên trì hơn. Một cơ duyên, Quyền biết đến trầm hương và mùi thơm của loại cây này làm chàng trai mê startup nhung nhớ. Sau khi nghiên cứu, anh thấy tiềm năng phát triển của loài cây này đang rộng mở, từ đó, hành trình khởi nghiệp lại tiếp tục bước sang trang mới.
Ngoài trầm, Quyền tìm ra một loại cây ở tình nhà cũng tỏa ra hương thơm ngào ngạt, mang tác dụng chữa lành, điều hòa trí não và tâm trạng người dùng. Đó là cây dó bầu ở huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Anh bắt đầu tìm tòi cách khai thác, sản xuất và cho ra thành phẩm.
Sự nghiệp khởi sắc nhờ “vàng” cây
Thực sự, trầm hương được ví như vàng trong thân cây về cả tác dụng dược liệu lẫn giá trị kinh tế mà loài cây này mang đến. Chàng kỹ sư Quyền cũng nhận ra điều này, không đi theo vết xe đỗ tham rẻ như các dự án khởi nghiệp trước, anh mạnh dạn vay vốn ngân hàng rồi khai thác và chế tác trầm hương nguyên bản. Xưởng của Quyền làm bột trầm, vòng đeo tay, vật dụng phong thủy,… từ trầm hương thiên nhiên. Nhờ đó, giá thành cao, nguồn thu nhập đem lại cũng lớn và doanh nghiệp dần có lãi.
Đến đầu năm 2024, chàng kỹ sư “lì đòn” này mở rộng xưởng sản xuất từ 100m2 sang 200m2, cung cấp công ăn việc làm cho người dân địa phương, trung bình, mức lương nhân công ở đây mỗi tháng lên đến 10 triệu đồng.
Sau nhiều lần vấp ngã, vỡ nợ, mất trắng tưởng chừng không thể vực dậy, 4 năm ròng rã theo đuổi nghề trầm, Quyền cuối cùng cũng thành công. Mỗi tháng, xưởng của anh thu nhập khoảng 500 triệu đồng, trừ tất cả các chi phí, lợi nhuận còn khoảng 100 – 150 triệu, vậy là mỗi năm, startup 9x này kiếm được trên dưới 1 tỷ đồng. Không chỉ tạo dựng sự nghiệp cho bản thân, doanh nghiệp của Quyền còn là nơi tạo ra công ăn việc làm cho bà con quê nhà tại vùng quê Tam Kỳ, Quảng Nam.