Mark Zuckerberg chính là người sáng lập và CEO của Facebook. Vị doanh nhân trẻ tuổi này là một trong những biểu tượng nổi bật nhất của Thung lũng Silicon và thế giới công nghệ. Từ một sinh viên trường Harvard, Mark đã khởi nghiệp với Facebook, biến nó từ một dự án nhỏ trong phòng ký túc xá thành mạng xã hội lớn nhất toàn cầu. Câu chuyện khởi nghiệp của Mark Zuckerberg là một hành trình đáng ngưỡng mộ với sự kiên trì và những quyết định táo bạo.
Những bước chân đầu tiên trên chặng đường startup
Mark Zuckerberg sinh ngày 14 tháng 5 năm 1984 tại White Plains, New York trong một gia đình có truyền thống học thuật. Từ nhỏ, vị CEO này đã bộc lộ năng khiếu đặc biệt về công nghệ và lập trình. Thậm chí, anh bắt đầu lập trình từ khi còn là học sinh trung học và đã tạo ra một số chương trình phần mềm đơn giản để hỗ trợ học tập và giải trí cho bạn bè, người thân. App này chính là ZuckNet. Đây một chương trình nhắn tin nội bộ giúp gia đình Mark và văn phòng của bố anh liên lạc dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Ngoài ra, khi còn cắp sách đến trường, Mark cũng tạo ra nhiều trò chơi nhỏ và công cụ học tập cho bạn bè giúp vị doanh nhân trau dồi kỹ năng lập trình từ sớm. Dường như thời niên thiếu được thỏa sức với sở trường và đam mê công nghệ lập trình đã giúp Zuckerberg có nhiều ý tưởng hơn.
Bước đệm đầu tiên dẫn đến thành tựu xuất sắc
Mark Zuckerberg bắt đầu học tại Đại học Harvard vào năm 2002 ngành khoa học máy tính và tâm lý học. Trong thời gian này, anh đã phát triển nhiều dự án công nghệ mang nhiều ý tưởng hay và đa dạng lĩnh vực. Một trong những dự án đáng chú ý nhất chính là Facemash, một trang web cho phép sinh viên trường Harvard xếp hạng “nhan sắc” của nhau dựa trên ảnh đại diện. Dù gây tranh cãi và phải đóng cửa chỉ sau vài ngày nhưng website này đã thu hút sự chú ý lớn và đánh dấu sự khởi đầu của ý tưởng về một nền tảng mạng xã hội. Và sau này chính là Facebook.
Từ Facemash đến The Facebook
Sau thành công gắn liền cùng vô vàn tranh cãi xung quanh Facemash, Zuckerberg đã nảy ra ý tưởng về một mạng xã hội dành riêng cho sinh viên Harvard. Nơi sẽ giúp cộng đồng này kết nối và chia sẻ thông tin dễ dàng hơn. Cùng với bạn bè là Eduardo Saverin, Andrew McCollum, Dustin Moskovitz và Chris Hughes, cả nhóm đã thành lập The Facebook vào ngày 4 tháng 2 năm 2004.
The Facebook ban đầu chỉ dành cho sinh viên Harvard và được đón nhận nhiệt tình. Nền tảng này cho phép người dùng tạo hồ sơ cá nhân, thêm bạn bè và chia sẻ thông tin cá nhân. Sau vài tháng, website này mở rộng đến các trường đại học khác ở Mỹ bao gồm nhiều cái tên đình đám như: Yale, Columbia và Stanford. Một thời gian sau đó, Facebook dường như trở thành “hiện tượng” bùng nổ và nhanh chóng trở nên phổ biến.
Facebook trở thành ứng dụng cực “bùng nổ”
Không chỉ “hot” ở xứ sở cờ hoa, chỉ trong thời gian ngắn, nền tảng mạng xã hội do Mark và cộng sự sáng lập đã phát triển mạnh mẽ ra toàn cầu.
Người dùng Facebook có mặt trên toàn cầu
Thấy tiềm năng của dự án, Zuckerberg quyết định mở rộng Facebook ra ngoài các trường đại học và biến nó thành một mạng xã hội mở cho tất cả mọi người trên toàn thế giới. Đến năm 2006, Facebook đã cho phép bất kỳ ai trên 13 tuổi có một địa chỉ email đều có thể tạo tài khoản.
Tiếp đó, năm 2007, Facebook đã đạt mốc 58 triệu người dùng và bắt đầu phát triển các tính năng như: News Feed, Groups và Pages giúp người dùng tương tác nhiều hơn. Đặc biệt, mô hình quảng cáo cũng được Facebook phát triển tạo ra một nguồn thu nhập khổng lồ cho công ty.
Lần gọi vốn đầu tiên và các đối tác chiến lược
Một trong những bước ngoặt lớn nhất của Facebook là khi Zuckerberg quyết định không bán công ty mặc dù nhận được rất nhiều lời đề nghị từ các tập đoàn lớn như Yahoo và Microsoft. Thay vào đó, Mark chọn cách gọi vốn từ các nhà đầu tư để mở rộng quy mô. Năm 2005, Peter Thiel – nhà sáng lập của PayPal, đã đầu tư 500.000 USD vào Facebook giúp công ty có thêm tài chính để phát triển bùng nổ như hiện nay.
Accel Partners là một quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng cũng đầu tư 12,7 triệu USD vào năm 2005 giúp nền tảng mạng xã hội này tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Không bàn đến những sự kiện bê bối trong nhóm các nhà sáng lập ban đầu khiến bao giới tốn qua nhiều “giấy mức”. Nhìn lại thành tự hiện tại của Facebook, nền tảng này đã trở thành mạng xã hội lớn nhất thế giới với hơn 2,8 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng (theo số liệu năm 2023). Công ty cũng đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như:
- Instagram: Mua lại Instagram vào năm 2012 với giá 1 tỷ USD. Đây được đánh giá là một trong những thương vụ thành công nhất của Facebook.
- WhatsApp: Năm 2014, Facebook mua lại WhatsApp với giá 19 tỷ USD mở rộng sự hiện diện trên thị trường tin nhắn di động.
- Oculus: Đầu tư vào lĩnh vực thực tế ảo thông qua việc mua lại Oculus, một công ty chuyên về kính VR, cho thấy tầm nhìn dài hạn của Zuckerberg về tương lai công nghệ.
Câu chuyện khởi nghiệp của Mark Zuckerberg không chỉ là một hành trình đầy cảm hứng mà còn là minh chứng cho sức mạnh của sự sáng tạo, kiên trì và dám đưa ra những quyết định táo bạo, vượt ra khỏi vùng an toàn của chính mình. Facebook đã từ một dự án nhỏ trong ký túc xá của trường đại học trở thành một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, thay đổi cách con người giao tiếp và kết nối.