Câu chuyện khởi nghiệp của chàng trai Nguyễn Lê Hoàng Nhân cũng giống như nhiều startup trẻ tuổi khác, không được sự đồng thuận từ số đông ngay từ ban đầu. Tuy nhiên, kết quả sau hành trình vượt qua chông gai và khó khăn của dự án “Xanh” mà Hoàng Nhân mang đến đã làm mọi người xung quanh thay đổi cái nhìn về anh.
Từ ý tưởng bảo vệ môi trường được nhiều người nhận xét là viển vông hay xa vời, chàng trai Nguyễn Lê Hoàng Nhân đã xóa tan tất cả, đưa dự án đồ gia dụng bằng nguyên liệu tre, nứa, trúc thân thiện với sức khỏe người tiêu dùng vươn ra thế giới.
Quyết định bỏ phố… về làng mặc sự cấm cản từ gia đình
Nam doanh nhân tuổi mới ngoài đôi mươi cho biết: “Mọi người thường ví von mình là chàng trai vàng trong giới bỏ phố về vườn làm nông dân. Mình chẳng cảm thấy xấu hổ gì cả, vì bản thân đang biết mình muốn gì, phải làm gì và hướng đến mục đích nào. Quan niệm về sống xanh thực ra không phải xa vời gì đâu mọi người, chỉ cần thay đổi một chút trong thói quen như dừng dùng ống hút nhựa cũng đã là một hành động tích cực cho môi trường. Được nhiều người truyền cảm hứng về sống xanh, hạn chế rác thải nhựa ra biển, mình quyết định rời thành phố Đà Lạt đến Cát Tiên khởi nghiệp, thay đổi bản thân lẫn một phần nào đó của cộng đồng”.
Ngoài thông điệp lớn, dự án Đà Lạt Bamboo của anh chàng 2k này còn góp phần thay đổi thói quen đi rừng, làm việc nhiều ngày giữa rừng sâu của người dân địa phương. Đặc biệt, doanh nghiệp của Nhân còn tạo điều kiện làm việc tại nhà xưởng, nhà máy cho các đối tượng có con nhỏ, ít có cơ hội gia tăng thu nhập kiếm thêm chút tiền để trang trải cuộc sống cá nhân.
Dự án “Sống xanh” với sản phẩm 5 KHÔNG độc đáo
Kể lại hành trình khởi nghiệp với vỏn vẹn 30 triệu đồng trong tay, doanh nhân trẻ Hoàng Nhân nói: “Chắc chắn, so với các startup khác, dự án của tôi phải gặp khó khăn gấp trăm lần vì muốn thay đổi thị hiếu dùng đồ nhựa của mọi người hiện nay không hề dễ, và phân khúc khách hàng vì vậy cũng ít lại, thậm chí nhiều người dân còn bảo tôi là kẻ điên. Thế nhưng, bản thân mình không thể vì những lời phán xét đó mà dừng lại được, phải chứng minh họ sai như vậy mới cải thiện được tình trạng tiêu cực của môi trường và mẹ thiên nhiên”.
Chàng startup gốc Đà Lạt cho biết thêm, chính hình ảnh ống hút nhựa chọc thủng vào mũi của con rùa biển đã là động lực khiến bản thân anh hành động và xây dựng nên Đà Lạt Bamboo. Nguyên liệu chính Hoàng Nhân tận dụng để sản xuất đồ gia dụng bán ra thị trường là tre, trúc, nứa mọc nhiều ở Cát Tiên và theo tiêu chuẩn 5 KHÔNG. Cụ thể là vốn từ con số 0, không có nhà xưởng sản xuất, không quy trình sản xuất, không thị trường tiềm năng và không đối thủ.
Tất cả những gì ở giai đoạn đầu khởi nghiệp của chàng trai này đều là tự thân vận động, tự tìm tòi và học hỏi rồi đúc kết ra phương án phù hợp nhất. Ấy thế mà, thương hiệu Đà Lạt Bamboo đã thành công và được đón nhận ở thời điểm hiện tại.
“Chia lợi nhuận” để hỗ trợ trẻ em
Không chỉ hướng về môi trường, doanh nhân Nguyễn Lê Hoàng Nhân từ ban đầu tạo ra dự án đã tự hứa với lòng sẽ chia lợi nhuận và trích một phần đó vào Quỹ hỗ trợ Tony dành cho các em nhỏ khó khăn, yếu thế. Và chàng trai đã giữ đúng lời hứa từ khi thương hiệu có lợi nhuận mang về, cụ thể là năm 2020 đến nay. Những hành động ý nghĩa của chàng startup trẻ đã và đang truyền cảm hứng cho vô vàn bạn trẻ khác còn đang ấp ủ dự định phát triển thương hiệu riêng cho bản thân nhưng còn e dè, ngần ngại hay sợ thất bại.
Đà Lạt Bamboo đưa tre, nứa Việt ra thế giới
Vào năm 20220, thương hiệu của startup Hoàng Nhân có đơn hàng 500.000 ống hút từ tre, nứa đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Úc. Đây là một quốc gia cực kỳ nghiêm ngặt và khắt khe trong chọn lựa sản phẩm đưa vào sử dụng, lưu hành nội địa rộng rãi. Có thể thấy, chất lượng từ đồ gia dụng nguyên liệu “xanh” của Đà Lạt Bamboo là hoàn toàn đạt chuẩn về an toàn cho sức khỏe người dùng.
Tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp của chàng trai này có đến hơn 70 sản phẩm sản xuất từ tre, nứa địa phương. Nâng cao thu nhập cho người dân, mang đến doanh thu từ 500 – 600 triệu đồng mỗi tháng cho Hoàng Nhân.
Từ một ý tưởng khởi nghiệp có vẻ đơn sơ và giản dị là biến tre, nứa Việt Nam thành đồ gia dụng, như cách ông bà ngày xưa tận dụng gỗ, thân cây phục vụ đời sống hằng ngày, Nguyễn Lê Hoàng Nhân đã truyền câu chuyện đầy cảm hứng về ý thức bảo vệ môi trường ra cộng đồng.