Trong tập phát sóng mới đây nhất của Shark Tank mùa 7, cô nàng giám đốc người Lạng Sơn – Vương Thị Thương đã khiến cho cả khán phòng vỡ òa khi thành công gọi số vốn lớn. Đặc biệt, nữ doanh nhân xinh đẹp còn khiến khán giả thán phục khi chính bản thân đã nâng tầm một loại quả quê hương ra tầm thế giới. Cùng nhìn lại câu chuyện “gọi vốn” đầy ấn tượng này trong bài viết sau đây.
“Ăn ngủ với… quả hồng để tìm ra giống hồng vành khuyên”
Câu chuyện của Vương Thị Thương được phát sóng trong tập 4 của chương trình Shark Tank mùa 7. Từ ý tưởng khởi nghiệp bằng nông sản quê hương Lạng Sơn của nữ giám đốc này như một “ngòi lửa” thổi bùng niềm đam mê với đặc sản vùng miền của nhiều startup khác. Cụ thể, chị Thương đang là giám đốc của HTX Nông sản Toàn Thương, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.
Nhiều năm qua, bản thân cô và nông dân tại địa phương đã cùng nhau đồng hành tạo nên một giống hồng mang tên vành khuyên giúp nâng cao đặc sản hồng treo gió, tăng giá bán, tăng lượng xuất khẩu và tăng thu nhập cho chính người dân quê nhà.
Chị chia sẻ thật tâm rằng: “Bản thân em thậm chí khi đi ngủ cũng không ngừng nghĩ đến hồng, quy trình nghiên cứu và sản xuất ra hồng vành khuyên. Chưa bao giờ trong mình khát khao mang đặc sản quê hương vươn ra thế giới lại mãnh liệt đến như vậy”.
Về tình hình thực tế, Thương chia sẻ, tổng diện tích mà HTX đang quản lý và hỗ trợ là 2.000 ha, thu về sản lượng trên dưới 10.000 tấn mỗi năm. Và tại huyện Văn Lãng, hồng chính là loại quả mang đến thu nhập cao, chính cho người dân. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, câu chuyện hồng Văn Lãng cũng giống như nhiều loại nông sản Việt khác, gặp phải cảnh “được mùa nhưng mất giá”. Thậm chí, có một khoảng thời gian, chẳng có lái thương nào đến mua cả.
Muốn phát triển quả hồng vì phụ nữ thiểu số
Mang đến câu chuyện gọi vốn cho HTX của tỉnh Lạng Sơn, nữ giám đốc còn chia sẻ tâm nguyện cao cả của bản thân về phụ nữ dân tộc thiểu số. Cô cho biết, thu nhập của nữ dân tộc thiểu số rất thấp, thậm chí họ còn không có khả năng kiếm sống, chịu cảnh sống trong nghèo khó và cơ cực. Suốt ngày, phụ nữ trong các bản cao chỉ biết làm nương rẫy, có gì ăn nấy. Xuất phát từ vấn đề này, chị Thương cùng cộng sự mới càng thôi thúc phải cho ra đời sản phẩm hồng treo gió vành khuyên nhanh hơn nữa. Từ đó nâng cao thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người dân, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc tại Lạng Sơn.
Nâng cấp giá trị quả hồng địa phương lên 20 lần
Theo thông tin do chính nữ giám đốc chia sẻ, vào cuối năm 2022, bản thân đã liều lĩnh vay thế chấp ngân hàng để sắm sửa các trang thiết bị phục vụ quá trình sản xuất hồng vành khuyên. Hướng đến hiện thực hóa ước muốn tạo ra một sản phẩm đặc sản, đặc trưng cho huyện nghèo Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Trải qua nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi trước đó, hồng vành khuyên mà HTX Toàn Thương sản xuất ra có nhiều ưu điểm như: Giữ được hương vị tự nhiên, vị ngọt thanh tao, bảo quản được rất lâu và bán trong suốt năm chứ không theo mùa. Do đó, giá trị của loại quả này tại Lạng Sơn đã được nâng tầm lên đến gấp 20 lần ban đầu. Đặc biệt, phía HTX sẽ bao thu sản lượng trồng cho các vườn tại đại phương là 80%.
Gọi vốn 5 tỷ cho số cổ phần là 15%
Đến với chương trình Shark Tank mùa 7, giám đốc Vương Thị Thương đưa ra lời kêu gọi đầu tư 5 tỷ từ các shark và đưa ra mức cổ phần sẽ là 15%. Theo đó, bản thân chị đang sở hữu đến 4 công nghệ về sản xuất hồng, trái cây treo số được Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chứng nhận. Bên cạnh những thành tựu mang đến chương trình, chị cũng đưa ra cam kết sắp tới sẽ phát triển từ mô hình HTX lên doanh nghiệp với quy mô bài bản, chỉn chu hơn.
Khi được hỏi về doanh thu của các năm trước, như 2022 và 2023, giám đốc Toàn Thương cho biết, tổng số tiền thu về nhờ bán hồng vành khuyên là 6 tỷ đồng, số lợi nhuận sau khi trừ hết chi phí là 2,1 tỷ đồng. Chị Thương cũng không quên đặt ra mục tiêu cho doanh nghiệp vào năm 2024 sẽ đạt mức 10 tỷ, tăng lên 18 tỷ vào năm tiếp theo và đạt 40 tỷ ở năm 2026.
Sau khi nghe qua tất cả những lời đề nghị từ 4 shark, chị Thương quyết định chọn shark Bình với 2 tỷ đầu tư và 33% cổ phần. Từ đây, dự án phát triển đặc sản địa phương của nữ giám đốc HTX vùng cao lại được tiếp thêm sức mạnh.