Câu chuyện khởi nghiệp nhiều vô kể, thành công có, thất bại cũng có, tuy nhiên, nhắc đến các dự án kinh doanh mang yếu tố xã hội và đóng góp nhiều điều cho cộng đồng thì rất ít. Trong số đó, dự án startup của chàng phóng viên Phúc mang tên “Bệnh viện đồ da” đã tạo nên làn sóng ủng hộ từ mọi người khi vừa lên sóng tại Shark Tank mùa 7. Hãy cùng nhìn lại hành trình của chàng doanh nhân này!
Dự án cưu mang lao động yếu thế trong xã hội
Mở đầu câu chuyện tại Shark Tank mùa 7, Nguyễn Văn Phúc – Founder của dự án “Bệnh viện đồ da” kể lại tuổi thơ đầy can trường, khó khăn của chính mình. Gia cảnh khó khăn, lại sinh ra trong gia đình đông con, Phúc không có đủ điều kiện để học tập. Thế nhưng, bằng chính nghề đánh giày trên khắp mọi nẻo đường Hà Nội, nam doanh nhân có đủ tiền để trở thành sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền, trở thành chàng phóng viên nhiệt huyết.
Xuất phát điểm là một lao động đường phố nên khi đã có cái nghề trong tay, Phúc vẫn đau đáu với cái “nghiệp” đánh giày. Anh chia sẻ: “Bản thân không bao giờ cảm thấy xấu hổ với nghề đánh giày của mình, ngược lại tôi vô cùng tự hào, nhờ nó mới có tôi của hiện tại”. Và thế là, chàng sinh viên nuôi hy vọng làm một điều gì đó để hỗ trợ cho nhóm lao động đường phố yếu thế, chịu nhiều định kiến và đối mặt với vô vàn nguy hiểm.
Thế rồi, dự án “Bệnh viện đồ da” ra đời vào năm 2018, nuôi nhận, dạy nghề và cưu mang nhiều mảnh đời trẻ em, trẻ vị thành niên, lao động đường phố cơ nhỡ, nạn nhân của buôn bán người, lừa đảo, bóc lột,…
Ấp ủ hy vọng “Ở đâu có người yếu thế, ở đó có Bệnh viện đồ da”
Tâm nguyện của anh Nguyễn Văn Phúc không chỉ là mang đến việc làm và cưu mang những lao động đường phố yếu thế mà rộng hơn người anh cả của “Bệnh viện đồ da” mong muốn đây sẽ là nơi đào tạo nghề, người đến đây có thể tự chủ trong kinh doanh nếu nắm bắt đủ kiến thức, kỹ năng. Đến với Shark Tank 7, Founder truyền cảm hứng từ dự án này đã gọi vốn 500 triệu với 8% cổ phần từ các nhà đầu tư với mục đích mở thêm chi nhánh tại thị trường TP.HCM, sau đó hướng tới vùng Tây Nguyên.
Rưng rưng chia sẻ về “đứa con tinh thần” của mình, Phúc nói: “Hơn ai hết, bản thân chính là nạn nhân của bóc lột lao động, thậm chí là bị lạm dụng tình dục, tôi hy vọng rằng Bệnh viện đồ da sẽ có mặt ở tất cả những nơi có nhóm đối tượng yếu thế đông đảo như khu vực Tây Nguyên, TP.HCM. Xa hơn nữa là tất cả các tỉnh thành trong nước”.
Đặc biệt, trong chương trình, Phúc cũng cam kết mang đến cho những người lao động yếu thế sau khi đã có đủ khả năng làm việc tại cơ sở của mình với mức lương từ 9 đến 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, “Bệnh viện đồ da” sẽ hỗ trợ chỗ ở miễn phí cho mọi người.
Thành công nhận được sự “tín nhiệm” từ nhà đầu tư
Sau màn kêu gọi vốn với nhiều hoài bão, cũng như mang đến bức tranh đầy triển vọng và mang nhiều ý nghĩa kinh tế, xã hội nhất định, dự án “Bệnh viện đồ da” thành công nhận đến 4/4 lời đề nghị đầu tư tại Shark Tank mùa 7. Chưa dừng lại ở đó, Nguyễn Văn Phúc còn được nhận vé vàng gia tăng gấp đôi kinh phí từ 500 triệu lên 1 tỷ đồng.
Các nhà đầu tư đều nhận xét rằng, đây không chỉ là doanh nghiệp có khả năng sinh ra lợi nhuận, đây còn là một doanh nghiệp xã hội cần được duy trì, phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Chính vì vậy, tất cả các Shark đều đưa ra những lời mời gọi, con số “rót vốn” khủng và thậm chí không nhận lại lãi phát sinh.
Màn gọi vốn truyền cảm hứng mạnh mẽ của anh Nguyễn Văn Phúc cùng dự án hỗ trợ lao động yếu thế đã tạo nên một “làn gió” mới cho Shark Tank mùa 7. Và hy vọng rằng, tại Việt Nam sẽ có ngày càng nhiều Founder có ý tưởng hay trong kinh doanh và phát triển xã hội như Nguyễn Văn Phúc.
Trước đó vào mùa WeChoice Awards 2023, anh cũng được vinh danh là một trong 10 người truyền cảm hứng của năm. Có thể thấy rằng, sự ủng hộ từ cộng đồng, xã hội càng đang tiếp thêm sức mạnh để chàng doanh nhân nhiệt huyết này giúp đỡ thêm nhiều mảnh đời cơ nhỡ khác trong đời sống.
Bước chân vào cơ sở của “Bệnh viện đồ da” mọi người sẽ cảm nhận được không khí của một gia đình, sự kết nối của anh em thân thiết chứ không còn là một doanh nghiệp tái chế, phục hồi đồ gia dụng, túi xách,… nữa. Hành trình khởi nghiệp đầy ý nghĩa của Founder Nguyễn Văn Phúc đã khiến cho nhiều người xem rơi nước mắt.